Nhận biết cây bạc hà
Thân có thiết diện vuông, nhẹ, xốp, dài khoảng 20 cm đến 40 cm, đường kính khoảng 0,15 cm đến 0,30 cm. Thân chia đốt, khoảng cách giữa các mấu khoảng 3 cm đến 7 cm, màu nâu tím hoặc xanh xám, có nhiều lông hoặc gần như không có lông. Mặt cắt ngang có màu trắng, thân già đôi khi rỗng ở giữa. Lá mọc đối, cuống lá dài từ 0,5 cm đến 1.5 cm, phiến lá hình mũi mác, dài 3 cm đến 7 cm, rộng 1.5 cm đến 3 cm. Đầu lá thuôn nhọn hoặc hơi tù, mép có răng cưa nhọn. Hai mặt lá đều có lông nhiều hay ít. Lá khô dễ vụn nát. Cụm hoa mọc ở kẽ lá. Dược liệu có mùi thơm dễ chịu, vị cay nhẹ, sau mát.
Công dụng của bạc hà trong y học
Bạc hà có tác dụng làm ra mồ hôi, trừ phong giảm đau, chỉ ho, kiện vị, chỉ tả, tăng tiết mật, kích thích tiêu hóa, giải độc, thúc ban sởi mọc. Dùng bạc hà trị ho, cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, mũi tắc, đau đầu, ít hoặc không có mồ hôi.
Liều dùng, ngày 2 – 12g, dạng thuốc hãm, thuốc sắc. Những người khí hư huyết táo, can dương thịnh biểu hư, mồ hôi nhiều không nên dùng. Không nên dùng bạc hà cho trẻ con dù bằng cách xông hơi hay uống
Bạc hà là một loài thảo dược phổ biến trên toàn thể giới, có tính mát, không độc, chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe.
Bạc hà là một cây thuốc – vị thuốc thuộc loài thảo dược nhỏ thấp, phổ biến trên toàn thế giới. Không chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh trong Đông y mà trong Tây y, tinh dầu bạc hà được dùng để sản xuất các sản phẩm khác.
Thông tin nhận biết Bạc hà
Bạc hà có rất nhiều tên gọi khác như Bà hà, Anh sinh, Băng hầu úy, Bạt đài, Kê tô, Đông Đô, Kim tiền bạc hà (Bản thảo cương mục), Thach bạc hà (Hòa hán dược thảo), Miêu nhị bạc hà (Ly sàm nham bản thảo)…. Bạc hà có tên khoa học là (Mentha arvensis L.), họ Bạc hà (Lamiaceae).
Là một loại thảo dược nhỏ thấp, thuộc loại thân thảo, sống lâu năm. Thân ngầm mang lá mọc bò lan, thân mềm, hình vuông, mang lá, cao khoảng 40 – 50 cm. Lá đơn, mọc đối, mép có răng cưa. Hoa nhỏ màu trắng, hồng, hoặc tím hồng. Quả bế có 4 hạt. Các bộ phận trên mặt đất đều có lông.
Các loại Bạc hà mọc hoang thường phổ biến ở những vùng có độ cao từ 1300 m – 1600 m. Và một số được trồng chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng để lấy nguyên liệu làm thuốc.
Có thể thu hái bạc hà tươi để cất tinh dầu, hoặc phơi khô và bảo quản nơi khô ráo sau khi thu hoạch. Trước khi dùng, rửa sạch, phơi khô, cắt đoạn 3 – 5 cm, vi sao.
Các thành phần của Bạc hà
Theo dược sĩ Lê Anh Đào – GV Cao đẳng Dược cho biết: Các bộ phận trên mặt đất, hàm lượng tinh dầu được xác định từ 1 – 3 %, trong đó chủ yếu là menthol, limonen, α, β, cimen, pulegon, methyl acetat, myrcen…
Ngoài ra, bạc hà có chứa hàm lượng lớn chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe. Trên thực tế, cứ 14g bạc hà chứa khoảng 6 calo, 8% RDI mangan, 9% RDI sắt, 1 gram chất xơ và 12% RDI vitamin và 4% RDI folate… Ngoài các thành phần hóa học này, dược liệu này còn giúp cung cấp lượng lớn chất chống oxy hóa và vitamin A hòa tan trong chất béo.
Công dụng của bạc hà
Bạc hà thường được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như: Giúp tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể, cải thiện hội chứng ruột kích thích, giảm chứng khó tiêu, kích thích hệ thần kinh, giảm stress và căng thẳng, giảm đau và chống viêm.Bên cạnh đó, hoạt chất mentol chứa trong bạc hà còn có công dụng làm dịu vòm họng, tiêu đờm và ức chế cơn ho.
Trong đông y, Bạc hà là một loài thảo dược có tính mát, không độc, có khả năng tán phong nhiệt, chữa nhức đầu, chữa trị cảm mạo không ra mồ hôi.
Chính vì vậy, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe thường khuyến cáo nên tiêu thụ bạc hà thường xuyên để điều trị ho do cảm lạnh hoặc ho do bệnh lý đường hô hấp gây nên. Dùng bạc hà trị ho, cảm mạo phong nhiệt, biểu hiện sốt cao, mũi tắc, đau đầu, ít hoặc không có mồ hôi. Bên cạnh đó bạc hà giúp kích thích quá trình tiêu hóa và chữa chứng chán ăn không tiêu, nôn mửa ở nhiều người.
Một số cách chữa bệnh bằng bạc hà
Làm sạch xoang mũi
Bạc hà chứa nhiều hợp chất chống viêm rosmarinic acid. Chỉ cần vài giọt tinh dầu bạc hà hoặc lá bạc hà tươi pha với nước sôi và xông hơi trực tiếp sẽ giúp làm sạch và thông xoang mũi. Bạc hà còn có tác dụng hỗ trợ điều trị hen suyễn và các chứng dị ứng do nhiễm trùng nấm.
Chống say xe
Cho 3-4 giọt tinh dầu bạc hà vào khăn tay, để hít hoặc uống một ly trà bạc hà nóng để tránh buồn nôn, chống say xe hiệu quả.
Xua đuổi côn trùng
Cho vài giọt tinh dầu bạc hà vào máy xông hơi để khử sạch mùi hôi.
Trồng bạc hà trong nhà hoặc phun tinh dầu bạc hà pha loãng với nước cũng giúp xua đuổi côn trùng hiệu quả.
Trị hôi miệng
Nhai trực tiếp vài nhánh bạc hà hoặc uống 1 ly trà bạc hà sau khi ăn hoặc khi cảm thấy hơi thở bắt đầu có mùi sẽ giúp khử mùi hiệu quả.
Giảm căng thẳng
Uống một ly trà bạc hà vào ban đêm sẽ làm bạn dễ ngủ và giảm stress.
Trị ho
Dùng 1 túi trà bạc hà đã được chế biến sẵn, hãm trong nước ấm từ 4 đến 6 phút và uống hoặc bạn có thể tự chế bằng các cách sau:
Cách 1- Cách pha trà bạc hà nóng chữa ho: Dùng 5-10 lá bạc hà và 470ml nước: 470ml, cùng một ít mật ong, đường và chanh. Chế biến như sau: Rửa sạch lá bạc hà, xé hoặc thái nhỏ để tiết mùi thơm. Cho lá bạc hà vào bình thủy tinh, đổ nước đã đun sôi vào và ủ từ 5 – 10 phút. Sau đó, cho đường, mật ong và chanh vào khuấy đều (tùy theo sở thích mà bạn có thể cho nhiều hoặc ít). Mỗi ngày uống 1 – 2 cốc trà bạc hà nóng giúp giảm ho và làm dịu vòm họng.
Cách 2 – Chữa ho bằng trà cây bạc hà kết hợp với chè xanh: Dùng 15g lá chè xan, 1.2 lít nước lọc, 40-50g đường, 5-10 cây bạc hà tươi. Đem rửa sạch lá chè xanh và bạc hà. Cho lá chè vào bình thủy tinh và hãm với nước nóng. Sau đó, giữ lại phần lá và đổ bỏ phần nước. Tiếp tục cho nước sôi vào và hãm trong vòng 10 – 15 phút. Sau đó cho lá bạc hà và đường vào, ủ thêm 5 phút rồi rót ra ly và uống.
Chữa cảm giai đoạn đầu kèm theo biến chứng phong nhiệt:
Sắc nước uống gồm: 8g Bạc hà, 12g Thuyền thoái (bỏ chân), 24g Thạch cao 24g, 6g Cam thảo. Uống một ngày một thang, chia làm hai lần uống.
Chữa ban sởi giai đoạn đầu chưa phát, phong ngứa, mề đay:
Dùng: Bạc hà 4g, Ngưu bàng tử 12, Thuyền thoái 4g, Cam thảo 4g. Sắc uống sẽ làm sởi mọc ra.
Trị mắt đỏ, đau đầu, họng sưng đau do phong nhiệt:
Nguyên liệu gồm: Bạc hà 4g, Phòng phong 8g, Cát cánh 8g, Cương tằm 12g, Kinh giới 12g, Cam thảo 8g.
Sắc nước uống, một ngày một thang, một ngày chia làm 3 lần uống.
Trên đây là một số thông tin và bài thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi sử dụng nên hỏi thăm ý kiến của các y sĩ, bác sĩ yhct để được tư vấn và hướng dẫn, tránh các trường hợp tự ý sử dụng thuốc gây ra các tác dụng ngoài ý muốn.
Tránh nhầm lẫn lá bạc hà và lá húng lủi
Cần phân biệt bạc hà và húng lủi
Nhiều người nhầm lẫn rằng bạc hà chính là lá húng lủi. Tuy nhiên trên thực tế, bạc hà KHÔNG PHẢI là húng lủi. Cần phải phân biệt hai loại lá này với nhau. Bạc hà có mùi thơm mạnh và the mát hơn lá húng lủi rất nhiều.
Tài liệu tham khảo:
Cuốn Tác dụng kỳ diệu 50 cây thuốc quanh ta – GS.TS Phạm Xuân Sinh, Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Dược Hà Nội