Ở trẻ đang bú mẹ, vì 40-60 % năng lượng ăn vào là do chất béo của sữa mẹ cung cấp, nên khi trẻ bắt đầu ăn bổ sung, và khi trẻ cai sữa cần hết sức chú ý ngăn ngừa tình trạng giảm lượng chất béo đột ngột do được bú mẹ ít hơn hoặc không còn được bú sữa mẹ nữa.
Do đó, nhu cầu khuyến nghị về lipid cho trẻ em rất cao. Theo WHO/FAO, 2010 [8], tham khảo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị năm 2015 của Nhật Bản [10], chúng ta có thể khuyến nghị các mức khuyến nghị sau:
– Đối với tất cả trẻ dưới 6 tháng tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 40-60 % năng lượng tổng số;
– Đối với trẻ 6 tháng đến 2 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 30- 40%, và
– Đối với trẻ 3-5 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 25-35%.
– Đối với trẻ 6-19 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 20-30%.
Với trẻ vừa bú mẹ vừa ăn bổ sung, để đảm bảo lipid đạt tỷ lệ như khuyến nghị thì lượng lipid trong thức ăn bổ sung cũng phải đảm bảo như bảng sau theo từng nhóm tuổi.
Cần lưu ý về cơ cấu lipid trong khẩu phần trẻ em: Do cơ thể trẻ đang phát triển nhanh, rất cần acid arachidonic, một acid béo không no có nhiều trong mỡ động vật, do đó tỷ lệ cân đối giữa lipid động vật và lipid thực vật được khuyến nghị là 70% và 30%. Ngay cả khi thức ăn bổ sung của trẻ thường được cho thêm thịt, cá, trứng, vốn đã có một lượng nhất định lipid động vật rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lipid cho lứa tuổi này, vì thế, khi chế biến vẫn cần phải cho thêm vào khẩu phần của trẻ cả dầu thực vật và mỡ động vật theo tỷ lệ một bữa dầu, một bữa mỡ.