Tên cây thuốc: Nhót tây, Nhót nhật bản. Tên khoa học: Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl. Họ: Rosaceae. Lá có vị đắng, tính hơi hàn; có tác dụng thanh phế chỉ khái; giáng nghịch chỉ ẩu; có tác giả cho là hoá đàm chỉ khái, hoà vị giáng khí. Quả có tác dụng làm dịu.
TỲ BÀ DIỆP (Folium Eriobotryae)
Tên cây thuốc: Nhót tây, Nhót nhật bản
Tên khoa học: Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl.
Họ: Rosaceae
Ảnh vị thuốc Tỳ bà diệp – Folium Eriobotryae
Cây Sơn trà Nhật Bản, Nhót tây, Tỳ bà – Eriobotrya japonica (Thunb.) Lindl., thuộc họ Hoa hồng – Rosaceae.
Nhót tây, tỳ bà, hay lô quất (Tên khoa học: Eriobotrya japonica) là một loài cây mộc, cho trái ăn được thuộc họ Rosaceae. Bản địa của cây nhót tây là miền Hoa Nam nhưng đã được trồng hơn 1.000 năm ở Nhật Bản nên tên khoa học nhắc đến nguồn gốc japonica.
Thông tin mô tả chi tiết Dược Liệu Sơn trà Nhật Bản
Mô tả:
Cây gỗ hay cây nhỏ cao 5-6m; nhánh non có lông như bông. Lá tồn tại, đơn, mọc so le, tụ họp ở ngọn các cành, dài 20-25cm, dày và cứng, mép có răng, màu lục sẫm bóng và xù xì ở mặt trên, có lông mềm màu xám hay vàng nhạt ở dưới. Hoa trắng, có mùi hạnh nhân đắng, xếp thành chùm ngắn. Quả màu vàng cam, có lông tơ, dạng quả mận, dài 3-4cm, xếp thành chùm, khi chín ăn được, nạc, có vị dịu, chứa 3-5 hạt.
Hoa tháng 9-11; quả tháng 4-5.
Bộ phận dùng:
Lá – Folium Eriobotryae, thường gọi là Tỳ bà diệp
Nơi sống và thu hái:
Cây của miền Trung Trung Quốc, Nhật Bản và cũng gặp mọc hoang ở vùng núi Cao Bằng, Lạng Sơn ở nước ta. Cũng thường được trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Có nhiều thứ khác nhau cho quả có dịch ăn tươi hoặc làm mứt. Có thể thu hái lá quanh năm. Cần lau sạch lông, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học:
Lá chứa d-sorbitol, acid ascorbic oxidase và vitamin B; còn có acid ursolic, acid olcanolic và caryophyllen, vitamin C. Quả chứa đường levulose, sucrose, acid malic, acid citric, acid tartric, cryptoxanthin, b-caroten, neo-b-caroten. Trong vỏ quả chưa chín có amygdalin. Hạt chứa amygdalin và dầu béo.
Tính vị, tác dụng:
Lá có vị đắng, tính hơi hàn; có tác dụng thanh phế chỉ khái; giáng nghịch chỉ ẩu; có tác giả cho là hoá đàm chỉ khái, hoà vị giáng khí. Quả có tác dụng làm dịu.
Công dụng:
Quả ăn được như quả táo, quả nhót và cũng dùng chế rượu. Ở Ấn Độ, người ta dùng quả chống nôn và giải khát. Hoa được dùng trị ho, làm long đờm. Lá được dùng làm thuốc chữa ho, viêm phế quản mạn tính, suyễn khó thở có đờm, sốt nóng, cảm mệt, nôn mửa nhất là khi có thai, nôn khan, miệng khát, ăn uống khó tiêu, chảy máu cam. Ở Ấn Độ, nước sắc lá dùng trị ỉa chảy.
Liều dùng 10-20g, dạng thuốc sắc hoặc cao nước. Dùng ngoài lấy nước sắc rửa vết thương.
Đơn thuốc:
Chữa chảy máu cam: Dùng Tỳ bà diệp 20g (đã lau sạch hết lông) sao vàng, tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g, chiêu bằng nước chè.