Tháng 8 hàng năm – thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.
Vào đầu những năm 1980, cây na dai được vài hộ dân ở xã Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn mang từ Hoài Đức (Hà Nội) về trồng thử giữa cheo leo vách núi đá Cai Kinh. Khi đó, vì thiếu đất canh tác, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, người dân phải thay đổi quan niệm canh tác bằng cách vác đất lên núi đá để trồng thử nghiệm cây na. Không ai ngờ, thử nghiệm này lại trở thành một phát minh, cây na sinh sôi nảy nở trong điều kiện “cái khó ló cái khôn” của người dân Chi Lăng.
Nhận thấy tiềm năng của loại cây ăn quả này, nhiều bà con trong vùng bắt đầu bỏ khoai, sắn sang trồng na, tuy nhiên, thời gian đầu, người dân chưa có kinh nghiệm kỹ thuật, cây na nào cũng cao tới 3m, phát triển tự nhiên, ít được chăm sóc nên quả nhỏ. Cây trồng chỉ thực sự được quan tâm khi các thương lái và chính quyền địa phương phối hợp mở những lớp tập huấn về kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc.
Để na ra quả đúng vụ, người dân phải vất vả qua nhiều tháng. Từ mùng 4 Tết, họ đã phải lên núi tỉa cành, làm cỏ, vun đất… Cứ thế đến hết vụ thu hoạch, bà con nông dân mới được nghỉ. Trồng được na nhưng thị trường chưa có, người dân Chi Lăng lại miệt mài tìm kiếm và xây dựng nơi tiêu thụ. Họ phải ra chợ từ 4 – 5h, bán ở chợ này không được, lại di chuyển sang chợ khác. Dần dần, với chất lượng khác biệt, na Chi Lăng đã vào được thị trường và đem lại thành công ban đầu cho bà con.
Sau ba năm được vun vén, cây na bắt đầy cho quả ngọt, diện tích trồng cũng ngày càng mở rộng, từ 500 ha vào năm 1997 đã tăng lên hơn 2.000 ha vào năm 2021.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng, Lạng Sơn cho biết lãnh đạo đã tới từng hộ dân, phổ biến cho từng người lao động sản xuất cây na tốt, sạch. Nông dân địa phương được định hướng, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, phòng ngừa sâu bệnh, chuẩn hóa quy trình canh tác, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm… đem lại tỷ lệ đậu quả đạt 98%. Đồng thời, lãnh đạo huyện cũng chỉ đạo bà con liên kết thành chuỗi, tạo thành một hợp tác xã để tiêu phụ, huyện hỗ trợ bà con một phần về bao bì, nhãn mác theo quy chuẩn.
Năm 2014, huyện Chi Lăng bắt đầu áp dụng sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đạt được chứng nhận này, chính quyền và hộ nông dân trồng na huyện Chi Lăng gặp rất nhiều khó khăn, từ đào tạo kiến thức trồng trọt đến chi phí đầu tư. Tuy nhiên, vượt qua tất cả những rào cản ban đầu, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm, na sản xuất theo VietGAP dần được mở rộng diện tích ra các xã, thị trấn. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP là 613,62 ha; chiếm 1/3 tổng diện tích trồng na trên địa bàn huyện.
Thế nhưng, khó khăn chưa thực sự kết thúc. Vào năm 2015, quả na bị ruồi vàng gây hại, năng suất lẫn diện tích trồng sút giảm. Người nông dân lo ngại na bị thị trường từ chối. Ngay lập tức, phía lãnh đạo huyện và các nhà khoa học đã vào cuộc để tìm ra giải pháp tháo gỡ. Toàn bộ diện tích na của huyện đã được dùng bẫy bả sinh học ruồi vàng, 1.500 ha na được cứu nguy và cho ra quả ngọt lịm trong mùa thu hoạch năm đó.
Nhờ nỗ lực không ngừng của người dân, vấn đề khó khăn trong việc trồng na được giải quyết, kinh tế của bà con ở huyện Chi Lăng được cải thiện rõ rệt. Việc sản xuất và buôn bán giúp thu nhập của các hộ gia đình tăng lên 4 – 5 lần so với canh tác các loại cây trồng nông nghiệp trước kia. Nhiều năm trở lại đây, na Chi Lăng được mùa, được giá, vùng na tiếp tục mở rộng, thay thế cây trồng khác. Sản lượng hàng năm đạt từ 16.000 đến 18.000 tấn, bình quân từ 28.000 – 30.000 đồng/1kg, loại 2 – 3 quả từ 60.000 – 80.000 đồng.
Sau hơn 40 năm, huyện Chi Lăng giờ được coi là thủ phủ của na Lạng Sơn. Na Chi Lăng trở thành thương hiệu của tỉnh và nổi tiếng khắp cả nước, giúp nhiều người dân không chỉ xóa đói, giảm nghèo mà còn “ăn nên làm ra”.
Thời gian qua, việc tiêu thụ na trên địa bàn huyện cơ bản được các thương lái thu mua vận chuyển đi các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, một số hộ dân cũng đã quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội cũng như sàn thương mại điện tử như voso.vn, postmart.vn.
Doanh thu của nông dân toàn huyện từ na cũng ghi nhận mức “khủng” khi dự kiến đạt 720 tỷ đồng trong năm nay. Bà con nơi đây gọi vui na Chi Lăng là “vàng trên núi”. Theo người dân ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, có hơn nửa số hộ trồng na đã trở nên khá giả, thu nhập ít nhất vài chục triệu đồng, thậm chí nhiều hộ đạt mức thu nhập 300 – 500 triệu đồng mỗi năm.
Ông Mã Văn Lét (sống tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, một trong những hộ nông dân tiêu biểu “đổi đời” nhờ na, tiết lộ, mỗi năm, gia đình ông thu nhập được 400 triệu đồng từ cả na đúng vụ và trái vụ. “Nhờ phát triển thêm na trái vụ mà gia đình tôi đã cải thiện đáng kể được mức sống. Nguồn thu từ trái vụ tăng liên tục, hiện tăng khoảng 40% so với 5 năm trước đây”, ông Lét cho biết.
Dù phát triển mạnh trong những năm gần đây nhưng na Chi Lăng cũng giống như các nông sản nói chung đều gặp khó khăn khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn ra vào năm 2020. Đặc biệt, trong năm nay, dịch bùng phát đúng vào thời điểm nhiều loại nông sản vào vụ thu hoạch, bài toán tiêu thụ lại trở nên phức tạp hơn.
Lý do là đối tác xuất khẩu không thể vào thu mua trực tiếp vì dịch bệnh, đối tác trong nước lại đối mặt với khó khăn trong lưu chuyển. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc cũng siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới, khiến nông sản “không lối ra”.
Khó khăn là vậy nhưng người dân đã nhanh trí áp dụng thêm hình thức kinh doanh online để tiêu thụ na, giảm bớt tồn ứ tại vườn. Khách hàng tại Hà Nội và một số địa phương khác biết đến rất nhiều, họ cho xe lên chở na về bán.
Bà Trần Thanh Nhàn – Bí thư Huyện ủy Chi Lăng (bên trái) khảo sát tại chợ nông sản thị trấn Chi Lăng.
Chị Nguyễn Thu (Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), một thương lái bán hàng trên chợ online, chia sẻ na Chi Lăng vốn có tiếng lại đang vào vụ nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Trung bình, một kg na khoảng 4 – 5 quả có giá 35.000 – 40.000 đồng, quả nhỉnh hơn (3 quả một kg) có giá khoảng 55.000 – 60.000 đồng một kg. Loại na cỡ đại có giá trung bình 80.000 đồng đến 120.000 đồng. Chị tiết lộ đã bán online lâu năm nên dù dịch, năng suất tiêu thụ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, từ khi các chỉ thị siết chặt việc đi lại, việc giao hàng đến cho khách gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Đôi lúc, chị phải hỗ trợ phí ship cho khách ở xa. Việc buôn bán vì thế gặp nhiều khó khăn hơn.
Trên các hội nhóm về ẩm thực, nhiều người cũng chia sẻ hình ảnh na Chi Lăng. Anh Phạm Thanh (Hà Nội), một nhân viên văn phòng, khoe hàng chục kg na nhờ người quen mua giúp để biếu người thân và bạn bè thưởng thức trong mùa dịch trên trang cá nhân. Bài đăng của anh nhận hàng trăm lượt “like”. Nhiều người còn nhờ anh đặt mua hộ bởi na được lấy từ vườn, đúng nguồn gốc, chuẩn chất lượng. Anh Thanh cho biết so với mọi năm, giá bán của na năm nay không đổi. Tuy nhiên, thay vì mua trực tiếp, khách hàng sẽ phải đặt hàng online do việc đi lại bị siết chặt nên sẽ mất thêm phí giao hàng tới tận nhà nhưng việc vận chuyển khá khó khăn với những vùng tâm dịch.
Ông Vi Nông Trường, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng (đứng giữa) mô tả cách người dân tời na xuống núi cho Nguyên Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (áo xanh) trong chuyến thăm vườn na vào ngày 7/9/2020.
Để đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Lạng Sơn đã có những giải pháp, tìm đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá. Với việc đa dạng và chủ động các hình thức xúc tiến thương mại, thay đổi phương thức bán hàng đi vào chiều sâu, sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh trong tình hình mới, na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn sẽ có đầu ra ổn định. Hình thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc cũng được chú trọng để lượng na tiêu thụ được nhiều hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người trồng.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong thời gian tới, huyện Chi Lăng phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm na. Đồng thời, chú trọng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định.
Theo số liệu từ huyện Chi Lăng, tính đến hết tháng 6/2021, diện tích cây na đạt khoảng hơn 2.000 ha, diện tích cho thu quả đạt trên 1.800 ha, sản lượng ước đạt trên 18.000 tấn (bao gồm cả na gối vụ); tổng diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap của huyện trên 613 ha.
Do diện tích trồng na lớn và doanh thu đạt đươc cao, chính quyền tỉnh không ngừng quan tâm tới công tác quảng bá thương hiệu, xây dựng nhãn hiệu cho na Chi Lăng. Trong đó có ngày hội “Na Chi Lăng” được tổ chức từ năm 2017, là nơi kết nối giữa nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, quản lý. Sự kiện nhằm thúc đẩy phong trào trồng na theo quy trình quản lý tiên tiến VietGAP, GlobalGAP, cụ thể hóa chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trải qua 3 năm tổ chức, ngày hội đã giúp na Chi Lăng lọt “Top 10 thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam”. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nên năm 2020, chương trình phải tạm dừng. Được sự đồng ý của UBND tỉnh Lạng Sơn, ngày hội “Na Chi Lăng 2021” sẽ không được tổ chức mà tập trung quảng bá sản phẩm, bán na trên nền tảng kỹ thuật số.
Hiện nay, na Chi Lăng có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước. Trung Quốc cũng là một thị trường tiềm năng của na Chi Lăng nhưng đang qua đường tiểu ngạch. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung mong muốn thúc đẩy mở rộng xuất khẩu sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, hướng tới xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Để làm được điều này, tại hội nghị trực tuyến “Xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021”, các lãnh đạo cho biết những sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn đã được cấp mã số vùng trồng, quan tâm đến phương thức đóng gói, bảo quản, dán tem truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, huyện Chi Lăng cũng tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật để chăm sóc cây na theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu theo đường chính ngạch sang một số thị trường nước ngoài.
Na Chi Lăng đã trải qua gần nửa thế kỷ để trở thành mặt hàng nông sản mũi nhọn của tỉnh Lạng Sơn. Loại quả này đã gây dựng được thương hiệu vững chắc, giúp nhiều bà con nông dân vùng cao đổi đời và được kỳ vọng tiếp tục thành công hơn trong thời gian tới.