Diếp cá có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoạc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều.
Mô tả nhận dạng
Thân hình trụ tròn hay dẹt, cong, dài 20 – 35 cm, đường kính 2 – 3 mm. Mặt ngoài màu vàng nâu nhạt, có vân dọc nhỏ và có mấu rõ. Các mấu ở gốc thân còn vết tích của rễ. Chất giòn, dễ gẫy. Lá mọc so le, hình tim, đầu lá nhọn, phiến lá gấp cuộn lại, nhàu nát, cuống đính ở gốc lá dài chừng 2 – 3 cm, gốc cuống rộng thành bẹ mỏng. Mặt trên lá màu lục, vàng sẫm đến nâu sẫm, mặt dưới màu lục xám đến nâu xám. Cụm hoa là một bông dài 1 – 3 cm, ở đầu cành, màu nâu vàng nhạt, cuống dài 3 cm. Mùi tanh cá. Vị hơi chát, se.
Vi phẫu, tách lớp
Biểu bì trên và dưới của lá gồm 1 lớp tế bào hình chữ nhật, xếp đều đặn, mang lông tiết đầu đơn bào, chân đa bào và lông che chở đa bào có xen lẫn tế bào tiết màu vàng ở mặt trên gân lá. Ở mặt dưới phiến lá có lỗ khí. Hạ bì trên từ phiến lá chạy qua gân giữa gồm một lớp tế bào to, thành mỏng. Hạ bì dưới tế bào bé hơn, bị ngăn cách bởi một số tế bào mô mềm ở giữa gân lá. Mô mềm có tế bào thành mỏng và ít khuyết nhỏ. Bó libe-gỗ ở giữa gân lá gồm có bó gỗ ở trên, bó libe ở dưới. Mô mềm phiến lá có những khuyết nhỏ và bó libe gỗ nhỏ.
Bột
Màu lục vàng, vị hơi mặn, hơi cay, mùi tanh.
Mảnh biểu bì trên và biểu bì dưới gồm tế bào hình nhiều cạnh thành hơi dày, mang tế bào tiết. Biểu bì dưới có lỗ khí, tế bào tiết tròn, chứa tinh dầu màu vàng nhạt hay vàng nâu, bề mặt có vân, xung quanh có 5-6 tế bào xếp toả ra. Lỗ khí có 4-5 tế bào kèm nhỏ hơn. Lông che chở đa bào và tế bào tiết. Hạt tinh bột hình trứng, có khi tròn hay hình chuông dài 40 µm, rộng chừng 36 µm. Mảnh thân gồm tế bào hình chữ nhật thành mỏng và tế bào tiết. Mảnh mạch xoắn.
Bài viết khác:
Định tính
A. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại, thân và bột lá phát quang màu nâu hung.
B. Cho 1 g bột dược liệu vào ống nghiệm, dùng đũa thuỷ tinh ấn chặt xuống, thêm vài giọt dung dịch fuchsin đã khử màu (TT) để làm ướt bột ở phía trên, để yên một lúc. Nhìn qua ống nghiệm thấy bột ướt có màu hồng hoặc màu tím đỏ.
C. Lấy 1 g bột dược liệu thêm 10 ml ethanol (TT), đun hồi lưu trên cách thuỷ 10 phút, lọc. Lấy 2 ml dịch lọc, thêm ít bột magnesi (TT) và 3 giọt acid hydrocloric (TT), đun nóng trên cách thuỷ, sẽ xuất hiện màu đỏ.
Độ ẩm
Không quá 13%.
Tro toàn phần
Không quá 14%.
Tạp chất
Thân rễ và tạp chất khác không quá 2,0%.
Tỷ lệ vụn nát
Qua rây có kích thước mắt rây 3,15 mm: Không quá 5%.
Chất chiết được trong dược liệu
Không dưới 11,0% tính theo dược liệu khô kiệt.
Tiến hành theo phương pháp chiết nóng. Dùng ethanol 96% (TT) làm dung môi.
Định lượng
Tiến hành theo phương pháp định lượng tinh dầu trong dược liệu.
Dược liệu phải chứa ít nhất 0,08% tinh dầu tính theo dược liệu khô kiệt.
Qui trình chế biến
Có thể thu hái lá quanh năm, nhưng hiệu quả nhất là thu hái lá vào mùa hạ, khi cây xanh tốt có nhiều cụm quả. Lúc trời khô ráo cắt lấy phần trên mặt đất, loại bỏ gốc rễ, phơi hoặc sấy khô nhẹ.
Bào chế thuốc
Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, cắt đoan, phơi khô.
Lưu ý khi lưu trữ bảo quản thuốc
Nơi khô mát.
Tính vị, qui kinh
Vị chua, mùi tanh, tính mát.Vào kinh phế.
Công dụng thuốc và chủ trị
Thanh nhiệt giải độc, bài nùng, tiêu thũng. Chủ trị: Phế ung, phế nhiệt, thực nhiệt lỵ, nhiệt lâm, mụn nhọt, đau mắt, trĩ, kinh nguyệt không đều, nhiễm trực khuẩn mủ xanh.
Liều lượng và cách sử dụng
Ngày dùng 15 – 25 g khô sắc nhanh, 30 – 50 g tươi sắc hoặc giã vắt lấy nước uống.
Dùng ngoài lượng thích hợp, giã nát đắp tại chỗ hoặc sắc lấy nước để xông hoặc rửa vết thương.
Có thể bạn quan tâm
Bài viết khác: