Tên cây thuốc: Đậu đen, Tên khoa học: Vigna cylindrica Skeels; V. unguiculata subsp. cylindrica (L.) Verdc. Họ: Fabaceae
Bài viết khác:
ĐẠM ĐẬU XỊ (Semen Vignae praeparata)
Tên cây thuốc: Đậu đen
Tên khoa học: Vigna cylindrica Skeels; V. unguiculata subsp. cylindrica (L.) Verdc.
Họ: Fabaceae
Tên khác: Đậu xị, Chế đậu xị, Sao hương xị, Hương đậu xị, Đạm đậu xị, Đỗ đậu xị, Hăm đậu xị…
Cây thuốc: Đạm đậu xị là Đậu đen chế biến ra. Đậu đen cho bởi cây Đậu đen Vigna cylindrica L., thuộc họ Fabaceae. Đậu có 2 loại loại trong ruột màu trắng và loại nữa trong ruột màu xanh gọi là ‘Đậu đen xanh lòng’ (Xem thêm: Đại đậu quyển, Hắc đại đậu). Đậu đen không chỉ là cây lương thực mà còn là một cây thuốc quý. Dạng cây thảo mọc hàng năm, thường đứng, có khi leo, toàn thân không có lông. Lá kép gồm 3 lá chét, mọc so le, có lá kèm nhỏ; lá chét giữa to và dài hơn các lá chét bên. Chùm hoa dài 20-30cm; hoa màu tím nhạt. Quả đậu mọc thẳng đứng hay nghiêng, dài 7- 13cm, chứa 8-10 hạt xếp dọc trong quả, to hơn hạt Ðậu xanh, thường dài 5-6mm.
Dược liệu: Đậu xị phơi khô hình viên chùy, hai bên hơi dẹt, dài chừng 3,2 – 4,8mm, bên ngoài thể hiện màu đen nâu hoặc nâu tím, có vết nhăn ngang dọc không đều, một bên có dấu lõm vào của rốn hạt đậu hơi lồi lên, bóc vỏ hạt ngoài ra có hạt nhân màu vàng nâu hay chứa nhiều dầu, chất mềm mà nhuận, ăn vào béo bùi, có mùi thơm đặc biệt.
Phân bố: Phân loài này được xem như một nhóm giống trồng (cv. group biflora) chỉ được trồng nhiều ở châu Phi và châu Á. Ðậu đen cùng với nhiều loại đậu khác được trồng, có màu sắc hoa, vỏ quả và hạt khác nhau nhưng đều cùng thuộc phân loài trên. Thuộc nhóm cây Ðậu đen, có các loại Ðậu khác có quả mọc đứng, chứ không thõng xuống như đậu dải. Ðậu đen có hoa tím, quả hình dải, có hạt nhỏ hình trụ, màu đen, trồng ở Bắc Việt Nam, ở Campuchia, dùng nấu chè và nấu xôi Ðậu đen. Ðậu đen được trồng phổ biến như Ðậu xanh. Trồng vào mùa hè, thời gian sinh trưởng 80-90 ngày.
Xuất xứ: Trung Quốc.
Bộ phận dùng: Hạt của loại có vỏ đen, nhân trắng hoặc xanh (Ðậu đen xanh lòng) – Semen Vignae Unguiculatae. Trong đó loại xanh lòng thì dùng làm thuốc sẽ tốt hơn.
Thu hái – sơ chế: Vào tháng 5-6, hái quả phơi khô, đập bóc vỏ quả, lấy hạt rồi phơi khô.
Bào chế – bảo quản:
Bào chế:
- Theo kinh nghiệm Việt Nam: Có hai loại đậu xị: Hăm đậu xị (đậu xị muối) và đạm đậu xị (đậu xị nhạt) thường bào chế vào mùa hạ là mùa thu hái đậu đen.
- Hăm đậu xị: Lấy đậu đen rửa sạch, ngâm nước muối 2 ngày đêm (1 cân đậu đen dùng 250g muối ăn và một lít nước), đem đồ vừa chín, lấy nước muối nói trên tẩm phơi cho hết. Rải trên nia đã lót lá chuối (đã rửa sạch) và đậy lên trên 3 – 4 lớp nữa, chèn xung quanh cho kín. Ủ như vậy 3 ngày đêm, thỉnh thoảng mở ra xem thấy lên meo vàng thì trộn đều rồi lại ủ. Làm như vậy cho đủ 9 ngày đêm. Mang ra sấy ở nhiệt độ 30 – 40 độ cho đến khô. Cho vào lọ đậy kín.
- Đạm đậu xị: Lấy đậu đen rửa sạch, ngâm nước thường 1 đêm, phơi qua cho ráo nước đồ chín. Rải trên chiếc chiếu sạch cho đều, đợi ráo, lấy lá chuối khô sạch, ủ kín được 3 ngày giở ra xem, khi thấy lên meo vàng, đem phơi khô ráo, tưới nước cho đủ ướt, cho vào thùng ủ kín bằng lá dâu. Khi lên meo vàng thì đem ra phơi 1 giờ lại tưới ủ như trên. Làm như vậy cho đủ 5 – 7 lần. Cuối cùng đem chưng rồi phơi khô, cho vào bình đậy kín.
- Ngoài ra còn có nhiều phương pháp chế đạm đậu xị nữa, nhưng căn bản là làm cho đậu đen nấu chín để thế nào cho nó lên một thứ mốc màu vàng, rồi phơi khô để làm thuốc.
- Theo Trung y: Lấy phương thuốc thanh ôn giải độc thang, sắc lấy hai nước đầu, cô lại lấy 300ml nước thuốc cho đậu đen vào nấu cho cạn hết nước và đậu đen phồng to thì lấy ra để nguội, đổ vào thùng gỗ đậy kín rồi để vào chỗ nắng ấm hoặc cho vào nhà sấy 3 – 4 ngày, đợi cho toàn bộ lên meo không mốc lấy ra phơi khô là được.
Bài viết khác:
Bảo quản: Dễ mốc mọt, để nơi khô ráo, đậy kín. Mùa mưa chú ý phơi sấy.
Thành phần:
Trong đạm đậu xị có các thành phần của đậu đen như lipit, protit, gluxit và các chất màu loại antoxianozit, ngoài ra còn có thêm một số men nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu sâu.
Tính vị – quy kinh:
Tính vị: Đậu sị vị đắng, tính hàn.
Quy kinh: Vào hai kinh phế và vị.
Tác dụng – chủ trị:
Tác dụng dược lý: Có tác dụng phát hãn nhẹ, có tác dụng trợ tiêu hóa.
Tác dụng: Thanh thấp nhiệt, lương huyết, giải độc lợi tiểu.
Chủ trị:
- Giải cảm ( tán nhiệt giải biểu) thường kết hợp với các vị thuốc tân lương giải biểu khác. Thuốc có tác dụng làm ra mồ hôi nhẹ.
Kiêng kỵ: Người không phải cảm mạo thực tà mà biểu hư tự ra mồ hôi thì cấm dùng.
Một số cách dùng thông dụng:
- Xích bạch lỵ: Cát căn lấy Đậu xị nấu hơi đen, giã nát, uống 1 chén, ngày 3 lần hoặc sao đen ngâm nước uống cũng hiệu nghiệm. Hoặc dùng Đậu xị sao, tán bột, 1 thăng chia làm 4 lần uống với rượu (Ngoại Đài Bí Yếu).
- Uống rượu thành bệnh: Đậu xị, Hành, mỗi thứ nửa thăng, nước 2 thăng sắc còn 1 thăng uống (Thiên Kim Phương).
- Uống thuốc quá liều, bồn chồn bức rức khó chịu: Dùng nước Đậu xị uống (Thiên Kim Phương).
- Đau nhức đầu (đầu phong): Nấu nước Đậu xị gội đầu (Thiên Kim Phương).
- Đau sưng nghẹt tắc họng không nói được: Nấu nước Đậu xị 1 thăng uống đắp chăn cho ra mồ hôi, đồng thời ngậm 1 chút bột Quế ở dưới lưỡi (Thiên Kim Phương).
- Nhọt phát bối sưng ung đã lở miệng hay chưa lở miệng: Dùng Đậu xị 3 thăng, trộn một chút nước đâm nhuyễn xào chín đắp lên đó làm bánh dầy 3 phân. Nhọt có miệng đừng đậy kín trên lỗ, lấy bánh đậu hủ rồi để Ngải trên đó cứu cho ấm, đừng để cho phá thịt, nếu đau nóng quá thì thay miếng khác, ngày 2 lần, khi có lỗ chảy nước ra là tốt (Thiên Kim Phương).
- Giải độc của Thục tiêu: Uống nước Đậu xị (Thiên Kim Phương).
- Sốt rét: Dùng Đậu xị sắc uống cho nhiều khi nào mửa nhiều thì khỏi (Trửu Hậu Phương).
- Mất tiếng đột ngột: Lấy nước Đậu xị 1 thăng uống với rượu thơm (Trửu Hậu Phương).
- Trên lưỡi ra máu như lỗ kim: Dùng Đậu xị 3 thăng, lấy 3 thăng nước sắc còn 1 thăng uống ngày 3 lần (Trửu Hậu Phương).
- Phù chân: Sắc nước Đậu xị uống (Trửu Hậu Phương).
- Thương hàn không ra mồ hôi, hễ ban đầu thấy đau đầu, sốt cao, mạch hồng 1-2 ngày: Dùng ‘Thông Xị Thang’ để trị: Lấy hành trắng một nắm, đậu 1 thăng gói trong bông, sắc 3 thăng nước, còn 1 thăng, uống cho ra mồ hôi, gia thêm Ma hoàng 90g. Lại có phương khác là dùng nấu cháo hành ăn với Hàm đậu xị cho ra mồ hôi (Trửu Hậu Phương).
- Sau khi bệnh thương hàn bị mờ mắt: Dùng Đậu xị đốt 27 hạt tán bột thổi vào (Trửu Hậu Phương).
- Tay chân co duỗi không tùy ý: Đậu xị 3 thăng, nước 9 thăng sắc còn 3 thăng, chia 3 lần uống, có phương khác là dùng Đậu xị nấu 1 thăng nấu qua, ngâm 3 thăng rượu trong 3 đêm uống nóng cho hơi say say là tốt (Trửu Hậu Phương).
- Trẻ con thai độc: Dùng Đại đậu xị sắc lấy nước uống (Thánh Huệ Phương).
- Thịt thừa ở trong họng dùng: Hàm đậu xị đâm tẩm vào, trước tiên chích cho ra máu rồi đắp (Thánh Huệ Phương).
- Lở trong miệng đau ngực: Dùng bột Đậu xị sao đen ngâm 1 đêm (Thánh Huệ Phương).
- Thương hàn không giải được đã 3-4 ngày, trong ngực nóng nảy bức rức: Dùng Đậu xị 1 thăng, 1 chén muối, 4 thăng nước sắc còn 1 thăng rưỡi, uống thì mửa (Mai Sư Phương).
- Trừ ôn độc: Đậu xị trộn với Bạch truật, ngâm rượu uống thường (Mai Sư Phương).
- Trị thương hàn còn thừa độc khí lại, sau khi thương hàn độc công ra ở chân tay làm cho cơ thể phù thủng do hư: Dùng Đậu xị 5 chén sao qua, lấy rượu 1 thăng rưỡi sắc uống (Giản Yếu Tế Chúng Phương).
- Thương hàn bị lỵ nghiêm trọng: Dùng 1 thăng Đậu xị, 1 nắm phỉ bạch, 3 thăng nước trước tiên nấu Phỉ bạch cho chín rồi bỏ Đậu xị vào cho chín đen, xong bỏ đậu đi, chia làm 2 lần uống (Dược Tính Phương).
- Lỵ ra máu không cầm: Dùng Đậu xị, Tỏi, 2 vị bằng nhau tán bột làm viên bằng hạt ngô đồng, ngày uống 30 viên với nước muối (Bác Tễ Phương).
- Lỵ ra huyết: Dùng Đậu xị 1 thăng dầm nước sắc uống, không giảm uống tiếp (Dược Tính Phương).
- Trị đại tiện ra máu (tạng độc hạ huyết): Đạm đậu xị 10 chén, Tỏi 2 củ nướng, giã nát. Tán bột, làm viên to bằng hạt ngô đồng. Sắc uống với nước Hương thái, mỗi lần uống 20 viên, ngày 2 lần (Ô Tê Tán – Cấp Cứu Phương).
- Tiểu ra máu: Dùng một nắm Đạm đậu xị sắc uống lúc đói, có thể uống với rượu (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
- Ra mồ hôi trộm: Lấy Đậu xị 1 thăng sao qua cho thơm, dùng 3 thăng rượu, ngâm 3 ngày lấy nước uống nóng hoặc lạnh tùy ý, không bớt uống tiếp (Thực Liệu Bản Thảo).
- Đau nhức trong khớp xương, rút đầu gối: Dùng Đậu xị 3-5 thăng cửu chưng cửu sái, lấy rượu ngon 1 đấu ngâm qua 1 đêm, uống nóng lúc đói (Thực Y Tâm Kính Phương).
- Trụy thai xông huyết, đầy tức bức rức khó chịu: Dùng Đậu xị 1 thăng sắc 3 chén nước còn 1 chén trộn bột Lộc giác uống (Tử Mẫu Bí Lục).
- Động thai: Uống nước Đậu xị (Tử Mẫu Bí Lục).
- Trẻ con bị viêm quầng chảy lở nước: Dùng Đạm đậu xị sao tán bột trộn dầu xức (Diêu Hòa Chúng Phương).
- Trẻ con trốc lở sài đầu: Lấy bùn đất sét bọc Đậu xị nướng chín, lấy Đậu xị tán trộn dầu Bạc hà xức vào (Thắng Kim Phương).
- Trị các loại lở độc: Rang Đậu rồi tán bột xức vào (Sản Nhũ Phương).
- Dương vật lở láy đau nhức: Đậu xị 1 phần, đất mùn của trùn (giun đất) 2 phần nghiền với nước đắp cho khô thì thay, cấm ăn đồ nóng, tỏi, cải, rượu (Dược Tính Luận Phương).
- Trúng độc thịt trâu bò: Trộn nước Đậu xị với sữa người uống (Vệ Sinh Dị Giản Phương).
- Trị nhức đầu, sốt do phong ôn giai đoạn đầu, hơi sợ lạnh, ho, đau họng: Thông bạch 3-5 củ, Đậu xị 3-15g, Bạc hà 1-1,15g, Chi tử 2-9g, Trúc diệp 30 lá, Cam thảo 6-8 phân, Cát cánh 1-1,15g. Sắc uống (Thông Xị Cát Cánh Thang).
- Trị ngực uất, đầy ngực, bồn chồn không yên: Chi tử 9g, Đậu xị 2 chỉ, Sinh khương 3 lát sắc uống (Chi Tử Sinh Khương Xị Thang).
-
Trị sưng vú, tắc tia sữa: Đậu xị 1-60g sắc uống lần 1 chén nhỏ, còn dư rửa vú (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).
Bài viết khác: