HOÀNG KỲ CHÍCH (Radix Astragali membranacei praeparata)

Tên cây thuốc: Hoàng kỳ, Tên khoa học: Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge. Họ: Fabaceae. Theo Đông Y Hoàng kỳ có vị ngọt, tính hơi ấm, có tác dụng giải độc, lợi tiểu tiện, tiêu thũng, bổ khí, liễm hầu. Thường Dùng sống chữa bệnh đái đường, đái đục, buốt, lở loét, phù thũng, phong thấp, trúng phong, bán thân bất toại.

HOÀNG KỲ CHÍCH (Radix Astragali membranacei praeparata)

Tên cây thuốc: Hoàng kỳ

Tên khoa học: Astragalus membranaceus (Fisch.) Bge.

Họ: Fabaceae

HOÀNG KỲ ( Radix Astragali)

Hoàng kỳ là rễ phơi hay sấy khô của cây Hoàng kỳ ( Astragalus membranaceus ( Fish) Bunge) hay cây Hoàng kỳ Mông cổ ( Astragalus mongolicus Bunge) thuộc họ Cánh bướm ( Fabaceae). Vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh với tên Hoàng kỳ, còn có tên khác như Miên Hoàng kỳ, Tiễn kỳ, Khẩu kỳ, Bắc kỳ.

Tính vị qui kinh:

Vị ngọt hơi ôn.

Theo các sách thuốc cổ:

  • Sách Bản kinh: cam hơi ôn.
  • Sách Danh y biệt lục: vô độc, sinh bạch thủy giả, lãnh.
  • Sách Thang dịch bản thảo: nhập thủ thiếu dưong, túc thái âm, túc thiếu âm, mệnh môn.
  • Sách Bản thảo mông toàn: nhập thủ thiếu dương, thủ túc thái âm kinh.
  • Sách Bản thảo kinh sơ: thủ dương minh, thái âm kinh.

 

Bài viết khác:

 

Thành phần chủ yếu:

  • Theo sách Trung dược học trong Hoàng kỳ có saccaroza, nhiều loại acid amin, protid (6,16 -9,9%), cholin, betatain, acid folic, vitamin P, amylase.
  • Trong Hoàng kỳ Mông cổ có polysaccharide, alkaloit, một số vi lượng nguyên tố như selennium, sắt, calci, phospho, magnesium.

Tác dụng dược lý:

A.Theo Y học cổ truyền:

Hoàng kỳ có tác dụng bổ khí, thăng dương, ích vệ khí, cố biểu, thác sang, sinh cơ, lợi thủy tiêu thũng. Dùng trị các chứng Tỳ khí hư nhược, các chứng khí bất nhiếp huyết, trung khí huyết hạ hãm, tỳ phế khí hư, khí huyết lưỡng suy, khí hư phát nhiệt, cơ thể hư nhiều mồ hôi, ung thư lỡ loét miệng khó lành, khí hư thủy thũng, huyết tý tê dại chân tay, di chứng trúng phong, chứng tiêu khát.

Theo các sách thuốc cổ:

  1. Sách Bản kinh: ” chủ trị ung nhọt, lở loét lâu ngày, bài nùng chỉ thống, bệnh phong hủi, ngũ trĩ, bổ hư, tiểu nhi bách bệnh”.
  2. Sách Danh y biệt lục: ” chủ phụ nhân tử tạng phong tà khí, trục ngũ tạng gian ác huyết, bổ trượng phu hư tổn, ngũ lao ( 5 tạng hư tổn), gầy ốm, chỉ khát, phúc thống tả lî, ích khí, lợi âm khí”.
  3. Sách Dược tính bản thảo: ” chủ hư suyễn, thận suy, nhĩ lung ( tai điếc), trị hàn nhiệt”.
  4. Sách Nhật hoa tử bản thảo: ” Hoàng kỳ trợ khí, tráng gân cốt, trưởng nhục, khỏe cơ bắp, bổ huyết, phá trung tích ( báng kết), trị loa lịch, anh lựu, trường phong, huyết băng, đái hạ. các bệnh trước và sau đẻ, tiêu khát, ho có đàm”.
  5. Sách Y học khởi nguyên quyển hạ: “trị hư lao tự hãn, bổ phế khí làm mạnh da lông, tả phế nhiệt, mạch huyền tự hãn, trị tỳ vị hư nhược, nội thác âm chứng, sang thương tất dụng chi dược”.
  6. Sách Bản thảo cương mục ( quyển 12) dẫn lời Lý Cao viết: ” Hoàng kỳ bổ tam tiêu, làm mạnh vệ khí, cùng dùng với Quế, tính ngọt bình làm bớt cay nóng mà Quế, tính ngọt bình làm bớt cay nóng mà Quế thì làm thông mạch phá huyết, làm mạnh vệ khí còn Hoàng kỳ thì ích khí . Hoàng kỳ dùng chung với Nhân sâm, Cam thảo là thần dược trừ táo nhiệt và nóng tại cơ nhục”.
  7. Sách Bản thảo hội ngôn: “Hoàng kỳ là vị thuốc bổ phế kiện tỳ, thực vệ liễm hãn khu phong vận độc”.
  8. Sách Cảnh nhạc toàn thư ( phần bản thảo) viết: ” Hoàng kỳ sống tính mát, trị ung thư, chích mật tính ôn có tác dụng bổ hư tổn”.
  9. Sách Bản thảo phùng nguyên: ” Hoàng kỳ tính tuy ôn bổ mà có thể thông điều huyết mạch, lưu hành kinh lạc, dùng nó không trở ngại đối với các chứng ũng trệ. Hoàng kỳ cùng dùng với Nhân sâm có tác dụng ích khí, dùng với Đương qui bổ huyết, với Bạch truật, Phòng phong có tác dụng vận tỳ thấp, cùng dùng với Phòng kỷ, Phòng phong thì tác dụng trừ phong thấp, dùng với Quế chi, Phụ tử thì trị chứng vệ khí hư, vong dương, ra mồ hôi nhiều”.
  10. Sách Bản thảo bị yếu: ” Hoàng kỳ dùng sống thì cố biểu, không mồ hôi thì phát tán, có mồ hôi thì cầm, làm ấm phần nhục, làm mạnh tấu lý, tả âm hỏa, giải cơ nhiệt. Chích Hoàng kỳ có tác dụng bổ trung, ích nguyên khí, ôn tam tiêu, tráng tỳ vị, sinh huyết sinh cơ, bài nùng nội thác”.

 

Bài viết khác:

 

B.Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể: Hoàng kỳ làm tăng chức năng thực bào của hệ thống tế bào lưới, nếu cùng dùng với Linh chi, Đảng sâm thì tác dụng càng rõ. Người sau khi cho uống nước sắc Hoàng kỳ, IgE và cAMP trong máu tăng lên rõ, SiaA trong nước miếng giảm rõ. Hoàng kỳ và Polysaccharide của nó có khả năng làm cho tế bào tương của lách súc vật tăng sinh, thúc đẩy sự hình thành kháng thể và nâng cao tính miễn dịch của thể dịch. Hoàng kỳ không những làm tăng làm tăng cường chức năng miễn dịch mà còn có tác dụng điều tiết miễn dịch. Theo Y học cổ truyền, tác dụng bổ khí phò chính của Hoàng kỳ là có liên quan mật thiết với khả năng nâng cao và điều tiết tính miễn dịch của cơ thể và tác dụng duy trì sự cân bằng nội môi của thuốc. Có tác giả cho rằng tác dụng bổ khí, cường tráng cơ thể của Hoàng kỳ còn do thuốc có tác dụng như nội tiết tố tình dục và tác dụng hưng phấn hệ thần kinh trung ương.
  • Tác dụng thúc đẩy quá trình chuyển hóa trong cơ thể: làm thí nghiệm mỗi ngày, thụt vào dạ dày chuột nhắt nước sắc Hoàng kỳ trong 3 tuần, chuột khỏe lên. Hoàng kỳ dùng trong nuôi dưỡng tế bào làm cho tế bào sinh trưởng nhanh, số lượng tế bào họat động tăng lên nhiều, tuổi thọ kéo dài. Nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy thuốc làm tăng cường chuyển hóa sinh lý của tế bào, tác dụng này có thể do thuốc có tác dụng điều chỉnh cAMP và cGMP trong tế bào. Hoàng kỳ có thể thúc đẩy sự chuyển hóa protid của huyết thanh và gan, đây cũng là 1 mặt quan trọng của tác dụng dược lý ” phò chính” của thuốc.
  • Tác dụng lợi tiểu: nước sắc và cao lỏng Hoàng kỳ đối với súc vật thực nghiệm ( chuột cống, thỏ, chó) và người thường đều có tác dụng lợi tiểu rõ rệt. Súc vật sau khi uống thuốc, lượng nước tiểu tăng 64% ( Tạp chí Y học Trung quốc 47:7-11,1961), nhưng phạm vi liều lượng có hiệu quả hẹp, liều thấp không có tác dụng, ngược lại liều quá cao lại làm cho nước tiểu giảm ( tác dụng hạ áp và lợi tiểu của Hoàng kỳ, Dược học học báo12(5),319-324, 1965).
  • Thuốc có tác dụng làm tăng lực co bóp của tim bình thường, đối với trạng thái suy tim do mệt mỏi hoặc do nhiễm độc, tác dụng cường tim của thuốc càng rõ. Dịch tiêm Hoàng kỳ có tác dụng 100% làm mạch co bóp và làm nhanh nhịp tim cô lập của thỏ.
  • Tác dụng hạ áp: nước sắc, cao lỏng, cồn Hoàng kỳ tiêm dưới da hay tĩnh mạch cho súc vật đã gây mê ( chó, mèo, thỏ) đều có tác dụng hạ áp nhanh, nhưng thời gian ngắn, tác dụng hạ áp có thể do thuốc làm giãn mạch ngoại vi. Thí nghiệm trên chuột bạch, chuột lang còn chứng minh thuốc có tác dụng tăng sức đề kháng của mao mạch, do đó có thể đề phòng hiện tượng thẩm thấu của mao mạch tăng mạnh do clorofoc, histamin tạo nên.
  • Trên lâm sàng đã chứng minh Hoàng kỳ cùng dùng với Đảng sâm trị đạm niệu do viêm thận có kết quả. Trong điều trị thận hư nhiễm mỡ, nên dùng liều cao thuốc có tác dụng làm giảm đạm niệu. Có báo cáo dùng thuốc bột Hoàng kỳ tốt hơn ( trích luận văn Hội nghị khoa học sinh lý toàn quốc Trung quốc lần thứ 2, trang13,1963).
  • Tác dụng kháng khuẩn: Trong ống nghiệm, thuốc có tác dụng kháng khuẩn đối với trực khuẩn lî Shigella, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, tụ cầu vàng ( in vitro antibacterial activety of some common Chinese herba on Gram-positive aerobic bacteria, Chin.Med J.67:648-656,1949).
  • Dịch tiêm Hoàng kỳ có tác dụng hưng phấn co bóp tử cung cô lập của chuột cống 100%. Nước sắc Hoàng kỳ có tác dụng ức chế ruột cô lập của thỏ Polysaccharide Hoàng kỳ có tác dụng kháng tế bào ung thư. Dịch tiêm Hoàng kỳ trong ống nghiệm có tác dụng tăng trưởng xương đùi của phôi thai gà.

Ngoài ra, theo báo cáo của Trương Trạch và Cao Kiều (1940), Hoàng kỳ có tác dụng làm cho kỳ động tinh của chuột bạch thông thường là 1 ngày kéo dài thành 10 ngày.

Thuốc còn có tác dụng bảo vệ gan, chống giảm sút glycogen ở gan ( trích luận văn báo cáo tại Hội nghị học thuật của Hội Dược học Trung quốc năm 1962, trang 332-333, 1963).

Ứng dụng lâm sàng:

1.Trị chứng suy nhược mạn tính do tỳ khí hư nhược, mệt mỏi, kém ăn hoặc chứng tiêu chảy kéo dài, rong kinh, sa tử cung, sa trực tràng, dùng bài:

  • Bổ trung ích khí thang: Hoàng kỳ, Đảng sâm, Bạch truật, Đương qui mỗi thứ 12g, Thăng ma 4g, Sài hồ, Trần bì mỗi thứ 6g, Cam thảo 4g, sắc nước uống, thuốc có tác dụng bổ khí thăng dương.

2.Trị các chứng sa tạng phủ:

  • Dùng Sinh Hoàng kỳ, Thăng ma, Sài hồ, Ngũ vị tử chế thành dịch tiêm Thăng tạng linh, mỗi lần tiêm bắp 4ml, ngày 2 lần hoặc tiêm huyệt Trung quản, Túc tam lý, mỗi huyệt 0,5ml cách nhật, 1 tháng là một liệu trình, có kết hợp thuốc trị các bệnh khác, sau khi ăn, bệnh nhân nằm nghỉ. Trị 33 ca sa dạ dày, kết quả khỏi 9 ca, tốt 9 ca, có kết quả 10 ca, tỷ lệ kết quả 84,9% ( Tổ tiêu hóa nội khoa thuộc sở nghiên cứu Trung y thị Thái nguyên- Tiểu kết 42 ca sa dạ dày điều trị bằng Thăng tạng linh, Tạp chí Y dược Sơn tây 1978,2:31).
  • Dùng Sinh Hoàng kỳ 30 – 50g, phối hợp Đơn sâm 15g, Sơn tra nhục 10g, Phòng phong, Thăng ma mỗi thứ 3g, sắc uống mỗi ngày 1 thang, dưới 3 tuổi giảm liều, nếu có lòi ra ngoài, gia thêm Thuyền thoái, Kinh giới than, Băng phiến tán bột trộn với Hương dầu bôi trị sa trực tràng, kết quả tốt ( Vương chí Thanh, Trị sa trực tràng bằng thuốc, Tạp chí Trung y Sơn đông 1983,2:43).

3.Làm thuốc phòng cảm mạo:

  • Tổ nghiên cứu chữa cảm mạo, viêm phế quản đã cho uống mỗi ngày 5 viên Hoàng kỳ (mỗi viên có 1g thuốc sống, ngày 3 lần hoặc cách nhật, sắc 15g Hoàng kỳ uống trong 10 ngày là 1 liệu trình, nghỉ thuốc 5 ngày, uống liệu trình 2. Đã dùng cho 540 người dễ cảm mạo, số lần người cảm giảm bình quân 2,7 lần và rút ngắn được thời gian mắc bệnh ( Tạp chí Trung y 1980,1:71).
  • Dương vĩnh Phương và cộng sự dùng Hoàng kỳ 15g, Đại táo 10g chế thành bột chia làm 2 bao hòa nước uống, người lớn mỗi lần 1 bao, ngày 2 lần. Đã theo dõi 160 ca chứng minh thuốc có tác dụng phòng chống cảm mạo nhẹ phát sinh, hạ thấp tỷ lệ bệnh viêm phế quản, hen phế quản, viêm mũi dị ứng ( Học báo Trung y Học viện Hồ nam 1987,4:13).
  • Phòng bệnh viêm đường hô hấp trên trẻ em: chiết xuất nước Hoàng kỳ cho vào ống 2ml ( tương đương thuốc sống 2g), ngày uống 1 lần Thẩm vỹ Bình đã theo dõi 100 ca, kết quả 4% (Tạp chí Trung y Giang tô 1988,9:32).
  • Dùng trị viêm mũi dị ứng: Bồ chí Thành dùng dịch tiêm Hoàng kỳ chích vào mũi mỗi bên 2ml 3 ngày 1 lần, 10 lần là một liệu trình, theo dõi 47 ca có kết quả 93,26% ( Học báo Y học viện Nam kinh 1988,3:246).

4.Phòng trị ho: 

Tổ Hô hấp bệnh viện Nhi khoa thuộc Y học viện số 1 Thượng hải dùng ống thuốc Hoàng kỳ 2ml ( 1ml có 1g thuốc sống) chia thủy châm 2 huyệt Túc tam lý, mỗi tuần 2 lần, 3 tháng là một liệu trình, dùng liền 3 – 4 liệu trình, mỗi liệu trình cách nhau 2 tuần. Theo dõi 41 ca, kết quả 85,4%, kết quả tốt 56,1%, bệnh nhân ăn ngon, ngủ tốt, tinh thần tốt, ít bị cảm, một số bệnh nhân tăng trọng, chàm ngoài da tiến bộ rõ, hết hoặc giảm mồ hôi trộm (Tạp chí Nhi khoa Trung hoa 1978,2:87). Nhóm nghiên cứu viêm phế quản mạn tính Quân y viện số 5 thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung quốc dùng bài thuốc: Hoàng kỳ 24g, Tuyên phục hoa 10g, Bách bộ 10g, Địa long 6g, chế thành 54 viên thuốc nặng 0,31g, mỗi lần uống 6 viên, ngày 3 lần, 10 ngày là 1 liệu trình, uống 3 liệu trình đã trị viêm phế quản mạn tính 254 ca, đạt kết quả 98%, khỏi lâm sàng (ổn định) 35,4%, tốt nhất đối với các thể bệnh hư hàn, tỳ hư đàm thấp và thận hư ( Tân trung y 1982,2:12).

5.Trị viêm loét dạ dày tá tràng:

  • Tổ tiêu hóa nội khoa Bệnh viện số 2 Tân y học viện Giang tô dùng tiêm bắp dịch Hoàng kỳ mỗi lần 2ml ( 1ml tương đương 1g thuốc sống), ngày 2 lần, đã trị 18 ca loét dạ dày, 51 ca loét hành tá tràng, 4 ca loét hổn hợp, kết quả sau 1 tuần dùng thuốc, các triệu chứng chủ yếu dều giảm với mức độ khác nhau, kiểm tra X quang sau 1 tháng 36 ca, có 13 ca hết ổ loét, có tiến bộ 15 ca, không kết quả 10 ca ( Tạp chí Giang tô Y dược 1977,1:20).
  • Hệ Quang Hỷ dùng bài Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm trị viêm loét dạ dày tá tràng 43 ca như sau: Hoàng kỳ 12g, Bạch thược 12g, Cam thảo 5g, Quế chi 10g, Sinh khương 3g, Đại táo 5 quả, đường phèn 30g, sắc nước, chia 3 lần uống, tùy chứng gia giảm, tất cả bệnh nhân đều được chụp X quang trước và sau uống thuốc. Kết quả sau thời gian dùng thuốc từ 25 đến 53 ngày, 22 ca khỏi, 17 ca tiến bộ, 4 ca không kết quả, tỷ lệ có kết quả 90,7% ( Tạp chí Y dược Hồ nam 1977,2:35).

6.Điều trị bệnh gan mạn tính:

  • Ngô khai Chi dùng dịch tiêm Hoàng kỳ 4ml ( 1ml có 1g thuốc sống) tiêm bắp ngày 1 lần, có cho thêm một số vitamin bảo vệ gan. Trị viêm gan mạn 29 ca, liệu trình từ 1 đến 3 tháng, có kết quả cải thiện triệu chứng lâm sàng và gan nhỏ trở lại ( Tạp chí Trung y Triết giang 1983,3:103).
  • Hậu thế Vinh và cộng sự dùng dịch tiêm Sâm kỳ mỗi lần tiêm bắp 4ml ( mỗi ml có 2g thuốc sống) Hoàng kỳ, Đơn sâm 1g, ngày 1 lần, mỗi tuần tiêm 6 lần, 1 liệu trình 3 tháng. Đã trị 112 ca trong đó có 58 ca chỉ dùng thuốc này và phối hợp vitamin, kết quả trước mắt 83%, thuốc có tác dụng tốt hơn đối với viêm gan kéo dài, tỷ lệ kết quả 89,5% có triệu chứng cải thiện và chức năng gan hồi phục tốt ( trung thảo dược 1980,12:551).
  • Mạch Tiễn đã dùng 100% dịch tiêm Hoàng kỳ tiêm huyệt Túc tam lý ( 2 bên), Thận du ( 2 bên), mỗi 3 ngày thay nhau tiêm một lần, mỗi lần 1ml, 2 tháng là một liệu trình, một số bệnh nhân được tiêm thêm 1ml dịch Đảng sâm và cho thuốc bảo vệ gan. Đã trị 174 ca HbsAg dương tính, số bệnh nhân chuyển âm tính và tiến bộ 131 ca, tỷ lệ 75,3% ( Tạp chí Trung y dược Cát lâm 1985,5:24).

7.Trị nhũn não:

Trương học Văn và cộng sự dùng Thông mạch sơ lạc dịch ( Hoàng kỳ, Đơn sâm, Xuyên khung, Xích thược) 250ml truyền tĩnh mạch mỗi ngày, 10 ngày là 1 liệu trình, nghỉ 4 ngày tiến hành liệu trình tiếp, đồng thời mỗi ngày sắc uống bài Thông mạch ( Hoàng kỳ, Hồng hoa, Xuyên khung, Đơn sâm, Sơn tra, Ngưu tất, Địa long, Quế chi). Trị 110 ca nhũn não, khỏi 52 ca, kết quả tốt 36 ca, tiến bộ 20 ca, tỷ lệ kết quả 98,2% ( Tân trung y 1982,3:37).

8.Trị bệnh tim mạch: 

Tổ nghiên cứu bệnh mạch vành Bệnh viện Phụ ngoại thuộc viện Khoa học Y học Trung quốc dùng bài thuốc: Hoàng kỳ 30g, Xích thược, Đơn sâm mỗi thứ 15g, Đương qui 12g, Xuyên khung 10g, mỗi ngày 1 thang sắc uống, một liệu trình 4 – 6 tuần, kết hợp thuốc tây y điều trị triệu chứng. Trị 98 ca nhồi máu cơ tim cấp thể khí hư huyết ứ, kết quả 90 ca hồi phục, 8 ca tử vong, so với tổ chỉ dùng tây y 151 ca, hồi phục 101 ca, tử vong 44 ca ( Tạp chí Nội khoa Trung hoa 1976,4:216).

9.Trị chứng bạch cầu giảm: 

Phùng văn Trung dùng bài: Sinh Hoàng kỳ 30g, Điều sâm 15g, Tiểu hồng táo 20 quả, sắc uống. Trị chứng bạch cầu giảm do Dibazol 14 ca có kết quả tốt ( Tạp chí Trung y Vân nam 180,2:28).

10.Trị bệnh thận: 

Tổ nghiên cứu viêm thận thuộc Sở nghiên cứu Y dược dân tộc tỉnh Hắc long giang dùng độc vị Hoàng kỳ chế thành cao lỏng, mỗi ngày uống tương đương lượng 100g thuốc sống, chia 2 lần. Thời gian điều trị từ 15 ngày đến 3 tháng, không dùng các loại thuốc tây. Đã trị viêm thận mạn 20 ca, kết quả tốt 7 ca, tiến bộ 9 ca, không kết quả 4 ca. Phần lớn bệnh nhân triệu chứng lâm sàng được cải thiện, đạm niệu hết hoặc giảm ( Báo Trung Y dược Hắc long giang 1982,1:39).

  • Đồng đức Trường dùng dịch tiêm Hoàng kỳ 2ml ( hàm lượng tương đương 3g Sinh Hoàng kỳ), một liệu trình 30 ngày không dùng các loại thuốc khác. Trị 56 ca viêm cầu thận mạn, sau một liệu trình nhận xét thấy thuốc có tác dụng điều tiết tế bào miễn dịch và dịch thể miễn dịch, giảm đạm niệu, tỷ lệ kết quả 61,7%, chức năng thận được cải thiện ( Tạp chí Trung y kết hợp 1987,7:403).

11.Trị sốt xuất huyết:

Phan cốc Vân dùng dịch tiêm Hoàng kỳ ( 1ml có Hoàng kỳ sống 1g) cho vào dịch truyền 20ml, nếu không cần truyền dịch thì tiêm bắp mỗi lần 5ml, ngày 2 lần, 7 ngày là một liệu trình. Đã trị 23 ca, sau 3 ngày tiến triển tốt 17 ca, 2 ca nặng lên ( Báo Tân Y học 1983,5:240).

12.Trị thị lực giảm sau phẫu thuật bóc võng mạc mắt:

Nhiếp Aùi quang dùng dịch tiêm Hoàng kỳ 2 ml ( 1ml có 2g thuốc sống) tiêm bắp, 30 lần là một liệu trình. Sau phẫu thuật lần 1: 5 – 6 tháng bắt đầu điều trị tất cả 32 ca, 23 ca viễn thị, thị lực tiến bộ và tiếp tục được cũng cố ( Báo Trung thảo dược 1981,3:23).

13.Trị tuyến tiền liệt phì đại:

Hoàng chí Cường và cộng sự dùng bài Bảo nguyên thông bế thang ( Sinh Hoàng kỳ 100g, Hoạt thạch 30g), sắc nước 2 lần trộn đều, ngoài ra dùng Hổ phách 3g tán bột cho vào thuốc chia uống lúc bụng đói. Kết quả theo dõi 52 ca không còn triệu chứng lâm sàng, tiểu tiện bình thường, kiểm tra trực tràng tuyến tiền liệt bình thường 38 ca, triệu chứng có bớt, tiểu thông hơn, tuyến tiền liệt có nhỏ 13 ca, 1 ca không kết quả ( Tân trung y 1987,10:54).

14.Trị bệnh vẩy nến:

Lưu minh Huệ cho uống viên cao Hoàng kỳ ( 1 viên có hàm lượng thuốc sống 1,33g), mỗi lần 4 viên, ngày 2 lần hoặc mỗi ngày tiêm dịch tiêm Hoàng kỳ 2ml ( hàm lượng 1ml có 4g thuốc sống) tiêm bắp hoặc uống bài thuốc sắc có Hoàng kỳ, ngoài bôi thêm thuốc mỡ acid boric 10% hoặc thuốc mỡ lưu huỳnh 10%. Đã trị 204 ca, khỏi 42 ca, cơ bản khỏi 62 ca, đỡ nhiều 91 ca, 9 ca không khỏi, tỷ lệ kết quả 95,6% ( Tạp chí Trung y 1985,7:52).

15.Trị luput ban đỏ: 

Phan phúc sơ dùng Hoàng kỳ 30-60-90g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liệu trình từ 1 – 12 tháng, một số ít phối hợp dùng liều nhỏ và trung bình cocticoit. Đã trị 17 ca, kết quả tốt 6 ca, 11 ca khác đều tiến bộ, tỷ lệ kết quả 100% ( Tạp chí Y học lâm sàng 1985,2:24).

Ngoài những kết quả phòng và chữa bệnh của các tài liệu đã nêu, Hoàng kỳ thường được phối hợp trong các bài cổ phương để trị nhiều chứng bệnh sau:

16.Trị cơ thể suy nhược ra mồ hôi, dùng bài:

  • Ngọc bình phong tán: Hoàng kỳ 24g, Bạch truật, Phòng phong mỗi thứ 8g, tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 6 – 8g, ngày uống 2 lần, pha rượu hoặc sắc nước uống.

17.Trị chứng huyết hư có sốt hoặc sau khi mất nhiều máu, dùng bài:

  • Đương qui bổ huyết thang ( Nội ngoại thương biện hoặc luận): Hoàng kỳ 40g, Đương qui 8g sắc uống.

18.Trị chứng sốt kéo dài lâu ngày không khỏi, thường gặp trong các bệnh mạn tính cơ thể hư nhược, dùng bài Bổ trung ích khí thang để chữa gọi là phép ” Cam ôn trừ đại nhiệt”.

  • Bổ trung ích khí thang ( Tỳ vị luận): Hoàng kỳ 16g, Bạch truật, Đảng sâm, Đương qui mỗi thứ 12g, Sài hồ, Trần bì mỗi thứ 6g, Thăng ma, Chích thảo mỗi thứ 4g, có thể thêm một số thuốc tư âm thanh nhiệt như Huyền sâm 10g, Tri mẫu 8g.

19.Trị ung nhọt sang thương lâu ngày không làm mủ hoặc nhọt lở loét khó liền miệng, thường dùng bài:

  • Hoàng kỳ nội thác tán: Hoàng kỳ 16g, Đương qui 12g, Xuyên khung 6g, Bạch truật 12g, Kim ngân hoa 16g, Tạo giác thích, Thiên hoa phấn, Trạch tả mỗi thứ 12g, Cam thảo 4g, sắc uống.
  • Tứ diệu thang: Hoàng kỳ, Kim ngân hoa, mỗi thứ 20g, Đương qui 16g, Cam thảo 6g, sắc uống. Trị nhọt lở do cơ thể hư mà lâu lành.

20.Trị chứng phù toàn thân do tâm thận dương hư: dùng các bài:

  • Phòng kỷ Hoàng kỳ thang: Hoàng kỳ 12g, Phòng kỷ 12g, Bạch truật 8g, Cam thảo 4g, Gừng tươi 12g, Đại táo 3 quả, sắc nước uống. Trị viêm thận mạn, phù, ra mồ hôi, sợ gió.
  • Hoàng kỳ 20 – 40g, sắc nước uống, cũng trị viêm thận mạn, đạm niệu, phù toàn thân.

21.Trị đau nhức các khớp do cơ thể suy nhược, khí huyết hư, dùng bài:

  • Hoàng kỳ quế chi ngũ vật thang: Hoàng kỳ 16g, Bạch thược 12g, Quế chi 6 – 8g, Sinh khương 12g, Đại táo 3 quả, sắc nước uống ( Kim quỷ yếu lược).

Những trường hợp viêm khớp mạn tính, viêm quanh khớp, đau trong chứng liệt 1/2 người do tai biến mạch máu não do khí huyết hư, khí huyết ứ trệ, có thể dùng bài:

  • Bổ dương hoàn ngữ thang ( Y lâm cải thác): Sinh Hoàng kỳ 40 – 60g, Đương qui vỹ 8g, Xích thược 6g, Địa long 4g, Xuyên khung 4g, Đào nhân 4g, Hồng hoa 4g, sắc nước uống.

22.Trị tiểu đường thường phối hợp với Hoài sơn, Sinh địa, Thiên hoa phấn.

Liều lượng thường dùng và chú ý lúc dùng:

  • Liều lượng: thường dùng 10 – 20g, dùng liều cao có thể từ 30 đến 160g.

Chú ý:

  • Theo sách Dược phẩm hóa nghĩa: thuốc mật sao có tác dụng ôn trung, chủ kiện tỳ, nên chích Hoàng kỳ dùng bổ khí thăng dương, Sinh Hoàng kỳ có tác dụng thoái hư nhiệt, thác sang thương.
  • Tuy trên thực nghiệm súc vật, thuốc có tác dụng cường tim, nhưng trên lâm, không dùng trị suyễn do suy tim vì dùng sẽ tăng cơn khó thở có thể do hưng phấn trung khu thần kinh của thuốc, kích thích cơ trơn co thắt, cần chú ý.
  • Tuy thuốc trên thực nghiệm có tác dụng hạ áp nhưng không nên dùng trong trường hợp huyết áp cao vì thuốc có tác dụng thăng dương.
  • Đối với trường hợp rối loạn tiêu hóa nếu bụng trên đầy thuộc thực chứng, dương chứng, không nên dùng.
  • So với Nhân sâm và Đảng sâm, Hoàng kỳ thiên về bổ khí ở cơ biểu, dùng tốt đối với chứng biểu hư còn Nhân sâm ( Đảng sâm) bổ khí của ngũ tạng chủ yếu bổ lý hư nên kết hợp dùng càng tốt.
  • Dùng Hoàng kỳ lâu ngày để bớt nóng nên gia Tri mẫu, Huyền sâm.

 

Bài viết khác: