Tên cây thuốc: Đương quy, Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels. Họ: Apiaceae. Đương quy có tác dụng bổ huyết hoạt huyết, nhuận táo hoạt trường, điều huyết thông kinh. Chủ trị chứng tâm can huyết hư, kinh nguyệt không đều, đau kinh, tắt kinh, các bệnh thai tiền sản hậu, tổn thương do té ngã, đau tê chân tay
ĐƯƠNG QUY (Radix Angelicae)
Tên cây thuốc: Đương quy
Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels.
Họ: Apiaceae
ĐƯƠNG QUY
Tên khác: Tần quy, tan quy, vân quy.
Bài viết khác:
Mô tả:
Cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9.
Dược liệu:
Rễ dài 10 – 20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ. Đường kính quy đầu 1,0 – 3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ 0,3 – 1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà, có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt. Vị ngọt, cay và hơi đắng.
Phân bố:
Loài cây của Trung Quốc phát triển ở vùng cao 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Việt Nam nhập trồng vào đầu những năm 60 hiện nay phát triển trồng ở Sapa (Lào Cai). Ngọc Lĩnh (Kontum), Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Trồng trọt:
- Gieo trồng bằng hạt. Hạt Đương quy phải để giống ở vùng núi cao, lạnh mát quanh năm rồi đem về đồng bằng gieo trồng vào vụ đông xuân thì mới thu hoạch được dược liệu tốt. Ở đồng bằng, cây Đương quy cũng ra hoa nhưng quả thường bị lép và đặc biệt là cây gieo trồng bằng hạt Đương quy lấy giống ở đồng bàng sẽ cho cây Đương quy sớm phát dục ra hoa, bị gỗ hoá, không nạc, không dùng làm thuốc được.
- Ở vùng núi cao, nếu trồng để lấy giống thì gieo hạt vào tháng 2-3 đến tháng 6-7 năm sau thì thu được hạt giống. Còn nếu trồng để thu hoạch dược liệu thì cũng gieo vào tháng 2-3 và thu hoạch vào cuối năm. Ở đồng bằng, chỉ trồng để thu hoạch dược liệu, gieo hạt vào tháng 8-9 và thu hoạch vào tháng 6-7 năm sau.
- Trước khi gieo phải xử lý hạt: Ngâm hạt giống vào nước ấm 40oC (1 sôi, 3 lạnh) trong vài giờ. Vớt bỏ hạt lép nổi bên trên. Số còn lại chắt hết nước, trộn với cát khô. Đựng vào một cái rổ có lót vải ở trong xong lại đậy vải lên trên và tưới đẫm nước hàng ngày. Treo rổ ở gác bếp cho thoát nước. Mười ngày sau, thỉnh thoảng mở ra xem hạt đã trương và nhiều hạt bị nứt nanh màu trắng.
- Lúc này trộn thêm tro khô cho tơi hạt rồi gieo trên mặt luống ươm đã làm sẵn. Gieo xong đậy rơm rạ kín luống rồi tưới đẫm hàng ngày. Độ 4-5 ngày sau hạt ra lá mầm. Đợi khi lá mầm lên rộ thì rỡ rạ cho ánh sáng chiếu nhiều và kích thích ra lá thật.
- Ruộng trồng Đương quy phải được cầy sâu và đập đất thật nhỏ. Bón lót phân chuồng hoai mục với tỷ lệ 700-800kg cho 1 sào Bắc bộ (20 tấn/ha). Lên luống rộng 80cm, cao20cm, chiều dài tuỳ theo ruộng. Khi cây Đương quy ở vườn uwowm đã có 4-5 lá thật (cao khoảng 10cm) thì có thể bứng trồng, đào từng vầng to rồi dùng tay tách ra từng cây nhỏ, rũ đất, xếp thành từng bó nhỏ đem ra ruộng trồng.
- Khi trồng, dùng bay tạo ra một khe nhỏ, nhẹ nhàng đặt cây Đương quy con vào khe đất, rút bay lên, nén đất cho cây yên vị. Trồng với mật độ 20 x 20cm. Trồng xong tưới nhẹ nhàng bằng thùng tưới có hoa sen. Lúc đầu ngày nào cũng phải tưới 1 lần. Khi cây đã cứng cáp thì các lần tưới có thể thưa hơn. Khi cây đã kín lướng thì có thể tưới bằng cách đưa nước vào ruộng ngập rãnh, dùng tay té nước lên mặt luống rồi tháo nước ngay. Giai đoạn náy có thể dùng phân NPK tổng hợp, pha loãng tưới vào toàn cây và mặt luống để thúc cho cây giao tán.
- Khả năng di thực: Cây Đương quy có khả năng phát triển tốt ở những vùng có khí hậu mát vì vậy có thể gieo trồng ở nhiều nơi khác nhau tại vùng núi phía Bắc.
- Khả năng phát triển vùng chuyên canh: Có khả năng phát triển trồng ở các vùng chuyên canh có đất đai và khí hậu phù hợp.
Bộ phận dùng:
- Củ, Rễ đã phơi hay sấy khô.
Thu hái, chế biến:
- Thu hái sau 3 năm. Đào củ vào mùa thu, cắt bỏ rễ con, phơi trong râm hoặc sấy bằng lửa nhẹ đến khô. Khi dùng bào chế như sau: Rửa qua rễ bằng rượu hoặc rửa nhanh bằng nước. Ủ một đêm cho mềm, bào mỏng 1mm. Nếu muốn để lâu, rửa bằng nước và muối; sau đó sấy nhẹ qua lưu huỳnh.
- Trên thị trường người ta còn phân biệt ra quy đầu là rễ chính và một bộ phận cổ rễ; quy thân hay quy thoái là phần dưới của rễ chính hoặc là rễ phụ lớn; quy vĩ là rễ phụ nhỏ. Toàn bộ rễ cái rễ phụ được gọi là toàn quy.
Bào chế:
- Đương quy đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.
- Tửu Đương quy: Lấy Đương quy đã thái thành lát, phun rượu cho đều, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Đương quy dùng 10 kg rượu. Dược liệu này là phiến mỏng dạng tròn hoặc không đều, mặt cắt có vân nâu nhạt. Chất dai, màu vàng thẫm, vị hơi đắng, mùi thơm nồng, có mùi rượu.
Thành phần hoá học:
- Rễ chứa tinh dầu 0,2%, trong đó có chứa 40% acid tự do. Tinh dầu gồm có các thành phần chủ yếu sau: Ligustilide, o-valerophenon carboxylic acid, sesquiterpen, safrol, p-cymen, vitaminB12 0,25-0,40%, acid folinic, biotin.
Công năng:
- Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng, thông đại tiện.
Công dụng:
- Đương quy được dùng chữa thiếu máu xanh xao, cơ thể gầy yếu, mệt mỏi, đau lưng, đau ngực bụng, viêm khớp, chân tay đau nhức lạnh, tê bại, đại tiện táo bón, mụn nhọt lở ngứa, tổn thương ứ huyết, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đau bụng kinh.
- Còn được dùng trị cao huyết áp, ung thư và làm thuốc giảm đau, chống co giật, làm ra mồ hôi, kích thích ăn ngon cơm.
Cách dùng, liều lượng:
- Ngày 10-20g dạng thuốc sắc.
Bài thuốc:
- Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, dùng bài Tứ vật thang gồm Đương quy 8g, Thục địa 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày.
- Bổ máu, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, thiếu máu, dùng bài Đương quy kiện trung thang gồm Đương quy 8g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, thêm Đường chia làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ tay lên được: Đương quy 12g, Ngưu tất 10g, Nghệ 8g sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay cao lên đầu.
- Phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, dùng Đương quy sắc nước uống trước khi thấy kinh 7 ngày,
- Phụ nữ sắp sinh nếu uống nước sắc Đương quy vài ngày trước khi sinh thì đẻ dễ dàng.
Kiêng kỵ:
Dùng cẩn thận trong trường hợp âm hư nội nhiệt, tiêu chảy