ĐẢNG SÂM (Radix Codonopsis pilosulae)

Tên cây thuốc: Đảng sâm, Tên khoa học: Codonopsis pilosula (Franch.) Nannf Họ: Campanulaceae. Theo Y học cổ truyền: Đảng sâm có tác dụng bổ trung ích khí, sinh tân, dưỡng huyết. Chủ trị chứng trung khí bất túc, phế khí hư nhược, khí tân lưỡng hư, huyết hư hoặc khí huyết lưỡng hư.

ĐẢNG SÂM (Radix Codonopsis pilosulae)

Tên cây thuốc: Đảng sâm

Tên khoa học: Codonopsis pilosula (Franch.)

Họ: Campanulaceae

ĐẲNG SÂM

Tên khác: Đẳng sâm,Tây đảng sâm,Đông đảng sâm,Lộ đảng sâm,Điều đảng sâm,Bạch đảng sâm.

Tên khoa học: Codonopsis pilosula (Franch) Nannf. Họ Hoa Chuông (Campanulaceae).

Mô tả:

Đảng sâm là cây cỏ, sống lâu năm, leo bằng thân quấn.Thân mọc thành từng cụm vào mùa xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới mầu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3-8cm, rộng 2-4cm. Hoa màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá, có cuống dài 2-6cm, đài tràng hình chuông, gồm 5 phiến hẹp, 5 cánh có vân màu tím ở họng, lúc sắp rụng trở thành màu vàng nhạt, chia làm 5 thùy, nhụy 5, chỉ nghụy hơi dẹt, bao phấn đính gốc. Quả bổ đôi, hình chùy tròn, 3 tâm bì, đầu hơi bằng, có đài ngắn, lúc chín thì nứt ra. Có nhiều hạt màu nâu nhẵn bóng.

Phân bố:

  • Mọc nhiều Tại Trung Quốc, cây Đảng sâm phần lớn cũng còn mọc hoang dại nơi sản xuất chính hiện nay là ở tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc, Sơn Tây, Vân Nam, Thiểm Tây, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hồ bắc, Quý Châu, Hà Nam, Ninh Hạ, Thanh Hải, Liêu Ninh.
  • Tại nước ta, trong thời gian năm 1961-1985, Viện Dược liệu đã phát hiện Đảng sâm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc, còn ở phía Nam chỉ có ở khu vực Tây nguyên. Vùng phân bố tập trung nhất ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng.

Thu hái, sơ chế:

Vào mùa đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá. Hoặc tới đầu xuân năm sau, lúc cây chưa đâm chồi nảy lộ. Đào rễ phải dài sâu trên 0,7m, vì rễ rất dài, không làm trầy xát. Rửa sạch đất cát, phân loại rễ to nhỏ, phơi riêng trên gìan từng loại. Đến lúc nào rễ bẻ không gãy là đạt, bó từng bó đem phơi. Cũng có thể lấy lạt hoặc chỉ xâu rễ thành chuỗi ở đầu củ đem treo ở nơi thoáng gió, phơi khô rồi cuộn lại thành bó.

  • Theo Trung quốc: Thu hái xong, phơi âm can, lăn se cho vỏ dính vào thịt, khi dùng, sao với đất hoàng thổ hay với cám cho thuốc hơi vàng xong bỏ đất hoặc cám chỉ lấy Đảng sâm (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Theo Việt Nam: Rửa sạch bụi bặm, ủ nước một đêm, hoặc đồ thấy bốc hơi là được, khi mềm, bào mỏng 1-2 ly, tẩm nước gừng để khỏi nê Tỳ và bớt hàn, thường có người sao qua để dùng (Phương Pháp Bào Chế Đông Dược).

Mô tả Dược liệu:

Vị thuốc Đảng sâm là phần rễ, hình trụ tròn hơi uốn cong, dài 10 – 35 cm, đường kính 0,4 – 2 cm. Bề ngoài có màu vàng nhạt đến vàng xám nâu, phía trên của rễ có vết thân lõm xuống hình tròn, đoạn dưới có nhiều nếp vân ngang. Toàn rễ có nhiều nếp nhăn dọc và rải rác có bì khổng. Rễ dẻo, mặt cắt ít bằng phẳng, phần vỏ có màu vàng nhạt, phần lõi màu trắng ngà. Mùi thơm dịu, vị ngọt.

1. Tây đảng sâm: Khô, nhiều chất đường, đầu và đuôi đều tròn, màu vàng hay màu xám, thịt màu xám vàng, có vân tròn dạng phóng xạ, đường kính 13mm trở lên không bị mọt, không bị móc, không lẫn rễ con.

2. Đông đảng sâm: Khô, chất đường tương đối ít, đầu và đuôi tròn ít nếp nhăn, vỏ màu vàng xám hay màu nâu xám, thịt màu trắng vàng, thoáng có vân tròn dạng phóng xạ, đường 10mm trở lên không có dầu tiết, không bị sâu mọt, không bị biến chất.

3. Lộ đảng sâm: Khô, nhiều đường mềm rễ dài, vỏ màu vàng hay màu vàng xám, thịt màu vàng nâu hay màu vàng, đường kính trên 10mm không có dầu tiết, không bị sâu mọt, không bị biến chất.

4. Điều đảng sâm: Khô, có chất đường, hình trụ tròn, vỏ khô màu vàng, thịt màu trắng hay màu vàng trắng, đường kính 12mm trở lên, không có dầu tiết ra, không mọt và bị biến chất.

5. Bạch đảng sâm: Khô, tương đối cứng, ít đường, hình dạng rễ không thống nhất, vỏ màu vàng xám hay màu trắng vàng, thô mập, đường kính 10mm trở lên, không bị sâu mọt.

Tính vị:

Vị ngọt, tính bình

Quy kinh:

Vào kinh tỳ, phế

Thành phần hoá học:

Saponin, đường, tinh bột.

Tác dụng của Đảng sâm:

Thanh Phế (Bản Thảo Phùng Nguyên).

  • Bổ trung, ích khí, hòa Tỳ Vị, trừ phiền khát ( Bản Thảo Tùng Tân).
  • Bổ trung, ích khi, sinh tân (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Bổ trung ích khí, sinh tân chỉ khát (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Chủ trị:

  • Trị Phế hư, ích Phế khí (Cương Mục Bổ Di).
  • Trị Tỳ Vị hư yếu, khí huyết đều suy, không có sức, ăn ít, khát, tiêu chảy lâu ngày, thoát giang (Trung Dược Đại Từ Điển).
  • Trị trung khí suy nhược, ăn uống kém, tiêu chảy do tỳ hư, vàng da do huyết hư, tiêu ra máu, Rong kinh (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
  • Trị thiếu máu mạn, gầy ốm, bệnh bạch huyết, bệnh ở tụy tạng (Khoa Học Đích Dân Vấn Dược Thảo).
  • Trị hư lao, nội thương, trường vị trung lãnh, hoạt tả, lỵ lâu ngày, khí suyễn, phiền khát, phát sốt, mồ hôi tự ra, băng huyết, các chứng thai sản (Trung Dược Tài Thủ Sách).

Cách dùng, liều lượng:

Ngày 6 -12g, có thể đến 40g. Dạng thuốc sắc, rượu thuốc, viên hoàn hay bột.

Kiêng kỵ:

Không dùng chung với Lê lô.

Bảo quản:

Đậy kín, tránh ẩm, cần để nơi thoáng gió, khô ráo để phòng sâu mốc vì Đảng sâm rất dễ bị mọt. Có thể sấy hơi diêm sinh.