Theo Đông Y Cát cánh Vị hơi ngọt, sau đắng, tính bình, có tác dụng thông khí ở phổi, tiêu đờm, làm cho mủ độc vỡ ra ngoài. Người ta đã chứng minh được rằng các saponin của Cát cánh có tác dụng tiêu đờm, phá huyết làm tan máu.
Ảnh cây Cát cánh – Platycodon grandiforum (Jacq.) A. DC.
Tên cây thuốc:
Cát cánhTên khác: Bạch dược, kết cánh, cánh thảoTên khoa học: Platycodon grandiforum (Jacq.) A. DC.Họ: Campanulaceae
Mô tả:
Cây thảo sống lâu năm cao 50-80cm. Rễ phình thành củ nạc, đôi khi phân nhánh, vỏ màu vàng nhạt. Lá gần như không có cuống, các lá phía dưới mọc đối hoặc mọc vòng 3-4 lá, các lá phía trên nhỏ, có khi mọc so le; phiến lá hình trứng, mép có răng cưa to, dài 2,5-6cm, rộng 1-2,5cm. Hoa mọc đơn độc hoặc tạo thành bông thưa ở nách lá hay gần ngọn; đài hình chuông dài 1cm, màu lục; tràng hình chuông, màu lam tím hay trắng. Quả nang, hình trứng, nằm trong đài tồn tại; hạt nhỏ, hình bầu dục, màu nâu đen.Mùa hoa tháng 7-9, quả tháng 8-10.
Bộ phận dùng:
Rễ, củ – Radix Platycodi; thường gọi là Cát cánh.
Nơi sống và thu hái:
Cây của miền ôn đới Bắc: Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Được trồng nhiều ở Trung Quốc. Ta di thực vào trồng ở vùng cao như ở Lào Cai (Sapa, Bắc Hà) và Vĩnh Phú (Tam Đảo). Gần đây, cũng được trồng ở một số nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ (Thái Bình…). Cây mọc khoẻ và thích nghi với khí hậu và đất đai của nước ta. Ở đồng bằng có thể gieo trồng vào tháng 10-11, ở miền núi vào tháng 2-3. Nếu gieo vào đất quá khô hay đất quá ướt bị nén chặt thì hạt lâu mọc. Cây trồng ở vùng cao hai năm đã cho thu hoạch, còn trồng ở đồng bằng thì sau một năm đã có thể thu hoạch được. Vào mùa đông khi cây tàn lụi hay sau khi thu quả để làm giống thì chọn ngày nắng ráo, dùng cuốc đào lấy rễ củ, sau khi đã cắt bỏ thân lá, rễ con, rửa sạch đất cát, ngâm vào nước rồi lấy ra dùng dao tre nứa cạo bỏ lớp vỏ ngoài, mang phơi hay sấy khô. Có thể xông lưu huỳnh. Thông thường người ta hay dùng sống nhưng có thể tẩm mật sao qua. Nếu dùng làm hoàn tán thì thái lát sao qua rồi tán bột mịn. Cần bảo quản nơi khô ráo, tránh mốc mọt.
Thành phần hóa học:
Trong rễ Cát cánh có các saponin platicodon A, C, D, D2 polygalacin D, D2. Còn có một chất tương tự Inulin.
Tính vị, tác dụng:
Vị hơi ngọt, sau đắng, tính bình, có tác dụng thông khí ở phổi, tiêu đờm, làm cho mủ độc vỡ ra ngoài. Người ta đã chứng minh được rằng các saponin của Cát cánh có tác dụng tiêu đờm, phá huyết làm tan máu. Rễ Cát cánh có tác dụng như giảm đau, làm trấn tĩnh, hạ nhiệt, giảm ho và khử đờm. Đồng thời, nó có tác dụng làm dãn các mạch máu nhỏ, làm hạ đường huyết, chống loét và chống viêm.
Công dụng, chỉ định và phối hợp:
Cát cánh dùng chữa ho có đờm hôi tanh, ho ra máu, viêm đau họng, khản tiếng, hen suyễn, tức ngực, khó thở, nhọt ở phổi, kiết lỵ. Ngày dùng 4-20g, dạng thuốc sắc. Người ta còn dùng Cát cánh chữa mụn nhọt và chế thuốc mỡ dùng ngoài để chữa một số bệnh ngoài da.
Đơn thuốc:
1. Ngoại cảm, ho mất tiếng:
Cát cánh, Bạc hà, Mộc thông, Bươm bướm, Chiêu liêu, mỗi vị bằng nhau, 6g sắc uống (Bách gia trân tàng).
2. Ho nhổ ra mủ và nước rãi hôi thối, lồng ngực căng tức:
Cát cánh, Cam thảo, Chỉ xác, mỗi vị 4-6g sắc uống.
3. Chữa ho, tiêu đờm:
Cát cánh 4 g, Cam thảo 8g, nước 250ml, sắc còn 150ml, chia làm ba lần uống trong ngày.
4. Cam răng, miệng hôi:
Cát cánh, Hồi hương, mỗi vị 4g tán bột nhỏ, bôi.
5. Bệnh ngoài da:
Cát cánh 6g, Cam thảo 4g, Gừng 2g, Táo ta (quả) 5g, nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày.
Ghi chú:
trường hợp phổi nóng khô háo không nên dùng Cát cánh. Nếu sắc uống phần đầu của rễ củ, nơi giáp với thân cây thì dễ bị nôn.